Vấn đề bảo tồn và phát triển ở Đà Lạt đã và đang được các chuyên gia, các nhà quản lý, truyền thông và dư luận cả nước quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Bài viết này có cách tiếp cận khác đi bằng việc tham chiếu Đà Lạt với danh thắng Karuizawa của Nhật Bản để cùng đúc rút và suy ngẫm các bài học về bảo tồn và phát triển, qua đó nhấn mạnh về sự cần thiết bám trụ giá trị cốt lõi kiêm hình ảnh thương hiệu đối với một thành phố du lịch. Câu hỏi đặt ra với chúng ta là: Với Đà Lạt, hình ảnh thương hiệu và giá trị cốt lõi là gì? Hướng đi nào cho việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở Đà Lạt?
Nhà thờ Tưởng niệm Shaw (Shaw Memorial Chapel)
Karuizawa: Hình mẫu tham chiếu cho Đà Lạt
Karuizawa là một danh thắng của Nhật ở tỉnh Nagano, có nhiều điểm tương đồng với Đà Lạt, một hình mẫu về bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan đô thị truyền thống và tăng trưởng xanh. Karuizawa được nhà truyền giáo người Canada – Alexander Croft Shaw khám phá cách đây hơn 100 năm vào thời Minh Trị. Karuizawa được biết đến là “Điểm Nghỉ dưỡng Vùng Núi Bốn mùa Hàng đầu” (Four-season Premier Mountain Resort”) của Nhật Bản, hàng năm đón tới 8,5 triệu lượt khách. Đây là nơi nghỉ mát lý tưởng vào mùa hè cho những ai muốn đi trốn “rừng bê tông” khổng lồ Tokyo, là nơi ngắm hoa anh đào vào mùa xuân và lá vàng lá đỏ vào mùa thu, mùa đông lại trở thành nơi vui chơi trượt tuyết nổi tiếng. Cũng như Đà Lạt, Karuizawa là điểm tổ chức các đám cưới và hưởng tuần trăng mật nổi tiếng. Karuizawa chỉ cách Tokyo khoảng 160km và ở độ cao 1000m, với hệ thống đường sắt cao tốc mới, thời gian đi lại rút xuống chỉ còn 70 phút.
Thiên nhiên ở Karuizawa có rất nhiều nét tương đồng với Đà Lạt, như hình ảnh núi đồi, rừng, hồ nước, hệ động thực vật, những biệt thự kiểu phương Tây xinh xắn len giữa thiên nhiên, những cánh đồng hoa và công viên tuyệt đẹp, rồi các sân golf… Cũng như Đà Lạt, ngoài các giá trị cốt lõi do thiên nhiên ban tặng, Karuizawa còn có các giá trị văn hóa, bao gồm cả văn hóa bản địa vùng cao nguyên và di sản văn hóa phương Tây để lại. Các công trình xây dựng đều ở quy mô nhỏ, tỉ xích khiêm tốn, tỉ lệ hài hòa, hòa quyện vào thiên nhiên để tôn vinh nhau lên, chứ chưa bao giờ lấn át thiên nhiên.
Một điểm thú vị nữa là Karuizawa luôn bảo tồn được rất tốt khu vực trung tâm đô thị cũ là Kyu-Karuizawa (Cựu Karuizawa), với vai trò khá giống với khu Hòa Bình ở Đà Lạt. Đây là khu vực thị trấn, nơi tập trung du khách, với không gian nhỏ xinh ấm cúng, rất nhiều quán café và nhà hàng trang nhã. Karuizawa có nhiều biệt thự nghỉ dưỡng trong rừng, nhiều khu mua sắm mà nổi tiếng nhất là quần thể Prince Shopping Plaza và con phố chợ truyền thống Kyu-Karuizawa Ginza. Du khách còn có thể vui chơi thỏa thích tại rất nhiều các cơ sở giải trí khác như tennis, trượt băng, game center, sân golf, bowling, câu cá hay đạp xe thư giãn quanh thị trấn. Chính quyền địa phương luôn bảo tồn rất tốt không gian đô thị cả về quy mô, mật độ, chiều cao công trình cho đến phong cách kiến trúc và các đặc trưng văn hóa khác, trong khi vẫn cung cấp hoàn hảo các dịch vụ phục vụ du lịch và thương mại, tạo điều kiện cho du khách lưu trú dài ngày để nghỉ dưỡng và vui chơi từ một tuần tới cả tháng và tiêu pha tối đa tại đây, góp phần rất lớn vào nguồn thu của địa phương.
Năm 2005, thị trưởng của Karuizawa và tỉnh trưởng tỉnh Nagano đã cùng ký vào “Tuyên bố Phương pháp Cảnh quan Đô thị Karuizawa” (Declaration of Karuizawa Townscape Method) với nội dung nêu rõ cảnh quan đô thị và tự nhiên của Karuizawa là tài sản quý giá của cả Nhật Bản. Trong bối cảnh tàu cao tốc mới tạo điều kiện cho việc lưu thông, dẫn tới đầu tư vào Karuizawa tăng nhanh và nguy cơ các công trình mới sẽ tăng quy mô và mật độ, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và văn hóa vốn hài hòa nơi đây, tuyên bố đưa ra một số quy định cụ thể về kiểm soát phát triển, như một chung cư hay khách sạn cao tầng buộc phải có khoảng lùi tối thiểu 2,5m và chỉ được xây tổng cộng dưới 20 căn. Quy định cũng nêu rõ về phong cách kiến trúc và khuyến khích việc bảo tồn cây cối hiện hữu trên khu đất cũng như việc phát triển không gian công cộng. Cơ chế KTS trưởng cũng được áp dụng ở đây để tổng định hướng và điều tiết phát triển cho khu vực.
Và năm nay, khi Nhật Bản trở thành nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20, Karuizawa được chọn làm nơi để họp Hội nghị Bộ trưởng G20 về Chuyển hóa Năng lượng và Môi trường Toàn cầu. Địa phương đã đưa ra câu slogan “Cộng đồng Thông minh Karuizawa” (Karuizawa Smart Community) với mục tiêu chủ đạo là bảo vệ tốt hơn cho môi trường cảnh quan tự nhiên đặc sắc nơi đây. Thí dụ, địa phương đã lắp đặt thêm các nguồn năng lượng tái tạo (quang điện và phong điện) tại các tiện ích công cộng, trợ giá cho người dân khi lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà hoặc mua ô tô điện hay xe đạp điện. Các trạm sạc pin xe điện cũng có ở khắp nơi trong thị trấn. Karuizawa cũng có trạm thủy điện nhỏ đủ cung cấp điện cho 400 hộ dân hàng năm, và một khách sạn resort nổi tiếng cũng khai thác cả địa nhiệt điện cho cơ sở của họ. Thông qua những biện pháp này, địa phương hi vọng sẽ đạt được việc “tự cung tự cấp” về năng lượng xanh, với mục tiêu cuối cùng là sống cộng sinh bền vững cùng thiên nhiên tuyệt đẹp được ban tặng .
Tóm lại, chính quyền và cộng đồng địa phương ở Karuizawa đã cân bằng rất tốt giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa truyền thống và thương mại dịch vụ hiện đại, đồng thời đưa ra được các cơ sở pháp lý cần thiết và tuân thủ nghiêm ngặt để kiểm soát phát triển. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân luôn kiên định với các giá trị cốt lõi cũng như hình ảnh thương hiệu “Four-season Premier Mountain Resort” cho Karuizawa.
Hướng đi cho Đà Lạt
Thông qua tham chiếu với Karuizawa, có thể thấy Đà Lạt có rất nhiều nét tương đồng và có thể học hỏi được nhiều từ thành phố bạn. Hình ảnh thương hiệu cho Đà Lạt xưa nay và không thể khác hơn vẫn phải là một “Four-season Premier Mountain Resort” như Karuizawa. Chính khí hậu ôn đới độc đáo ở Đà Lạt giữa miền nhiệt đới, phong cảnh lãng mạn sơn thủy hữu tình và hệ động thực vật phong phú đã tạo nên các giá trị cốt lõi này cho Đà Lạt mà ta cần nhất thiết gìn giữ. Hơn thế nữa, một hình ảnh đô thị trong mắt du khách luôn bắt đầu bằng những khu vực lối vào và khu trung tâm nơi tập trung đông người. Chính vì thế, Đà Lạt nên nghiên cứu sâu thêm về mô hình và các sáng kiến bảo tồn thiên nhiên cũng như văn hóa của Karuizawa, nhất là việc bảo tồn cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, để hướng tới một tương lai bền vững cả về môi trường, văn hóa-xã hội và kinh tế. Có như vậy, Đà Lạt mới thực sự đạt được “win-win” như Karuizawa, chứ không “win-lose” hay thậm chí có nguy cơ “lose-lose” như bản kế hoạch mới đưa ra.
Điều cần thiết trước mắt là xác định và chính thức hóa việc công nhận Đà Lạt là tài sản vật thể quý giá cấp quốc gia của Việt Nam, như Nhật Bản đã công nhận với Karuizawa. Việc công nhận này sẽ giúp địa phương có được sự hỗ trợ, định hướng, điều tiết và kiểm soát tốt từ trung ương. So với vài thập niên trước, khu nội đô Đà Lạt đã bị biến dạng, bê tông hóa và nhà lô hóa đến không thể nhận ra trên không ảnh, mảng xanh cũng còn lại quá ít. Một thành phố như Đà Lạt cần cả bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa-lịch sử, trong khi vẫn cần phát triển mới một cách phù hợp vì thành phố cũng cần không tụt hậu với xu hướng phát triển chung của xã hội.
Quần thể mua sắm Prince Shopping Plaza được thiết kế tinh tế hòa vào và tôn vinh thiên nhiên
Về bảo tồn, nhiều chuyên gia và dư luận đã nêu sự cần thiết phải bảo tồn thiên nhiên (hệ sinh thái rừng, núi đồi, mặt nước, nông nghiệp chất lượng cao, và cảnh quan thiên nhiên còn lại), bảo tồn các công trình lịch sử (đặc biệt là các công trình công cộng và hệ thống di sản biệt thự Pháp, cũng như các chợ truyền thống), và bảo tồn văn hóa truyền thống (các làng nghề, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người dân tộc…). Bài viết này nhấn mạnh việc nhất thiết phải bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử ở khu vực trung tâm thành phố (như cách Karuizawa đã làm). Cần ban hành cơ chế kiểm soát phát triển với các quy định cụ thể và nghiêm ngặt kèm chế tài xử phạt nặng về chiều cao tối đa (thí dụ 5 tầng), khối tích và mật độ công trình khu vực trung tâm thành phố. Điều này giúp cho bộ mặt thành phố phát triển cân bằng hài hòa, các công trình có tỉ xích, tỉ lệ và mật độ khiêm tốn, đẹp mắt.
Phố chợ truyền thống Kyu-Karuizawa Ginza
Về phát triển, cần xem xét lại một số điểm trong Bản quy hoạch chung đã được duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Thí dụ, trong phần Tầm nhìn, chữ “hiện đại” trong câu “Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại…” rất dễ bị diễn dịch sai theo cách nghĩ thông thường là phát triển công trình khối tích lớn, đường nét hiện đại, vật liệu bê tông-kính-thép, từ đó dẫn tới những định hướng sai lầm trong chính sách quy hoạch xây dựng, trong phong cách kiến trúc và quy mô công trình. Ngược lại, khi có cơ hội để điều chỉnh có tính pháp lý, cần cân nhắc thay thế bằng cụm từ như “đô thị có cảnh quan đô thị lịch sử”. Bản thân cụm từ này nội hàm nhiều thời đại lịch sử mà thành phố đã trải qua. Định hướng chiến lược “phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp…” là phù hợp. Định hướng này giúp tránh mô hình “đô thị đầu to” tập trung phát triển vào khu trung tâm. Những đề án đưa ra các đề xuất phát triển có quy mô lớn ở trung tâm thành phố (như đề án trung tâm Hòa Bình mới hiện nay) có thể được đưa tới một khu đô thị vệ tinh ngoại vi thành phố (thí dụ phía Đông Bắc) để góp phần tạo dựng một đô thị Đà Lạt mang hình ảnh hiện đại hơn ở vùng ven.
Đặc biệt, Đà Lạt cần học tập Karuizawa trong các chiến lược và chính sách phát triển xanh như đã đề cập. Trước hết là xanh trên phương diện phát thải thấp và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng công trình xanh, giao thông xanh và năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là xanh về mặt sinh học-sinh thái, thông qua việc đưa ra các quy chế về bảo tồn mảng xanh. Trong trường hợp phải chặt hạ để xây cất thì cần có quy định như Singapore đã làm là lấy đi bao nhiêu m2 cây xanh trên mặt đất thì cần trồng bù lại bấy nhiêu m2 cây xanh trong khuôn viên công trình mới hoặc trên mái, trên các hiên trời.
Cuối cùng, để hòa nhịp cùng hơi thở của cuộc cách mạng số 4.0, khuyến nghị phát triển các ngành công nghiệp không khói mới có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với bối cảnh địa phương, như công nghệ sinh học, nông-lâm nghiệp chất lượng cao, công nghiệp môi trường (tái sinh rác thải và kinh tế quay vòng), công nghiệp R&D (Nghiên cứu và Sản xuất) dựa vào các đại học và viện nghiên cứu, công nghiệp sáng tạo, và công nghiệp MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện và ưu đãi cho nhân viên các công ty). Trong số này có nhiều ngành có thể dựa vào công nghệ thông tin và hệ thống mạng, nên vẫn giúp cho thành phố hiện đại hóa mà không tác động nhiều vào cảnh quan lịch sử của nó. Rất nhiều các thành phố cổ ở châu Âu đang đi theo hướng này, với các công trình có bên ngoài cổ kính được bảo tồn nguyên vẹn nhưng nội thất bên trong hiện đại và hạ tầng ảo thông minh.
Có tiếp cận một cách toàn diện và quyết liệt, chúng ta mới có thể giúp Đà Lạt dần phục hồi, gìn giữ và phát huy được những giá trị cốt lõi và hình ảnh thương hiệu cũng như thế mạnh cạnh tranh riêng cho mình, góp phần xây dựng một tương lại phát triển lâu bền, nơi “người dân có thể sống cộng sinh bền vững cùng thiên nhiên tuyệt đẹp được ban tặng”, như Karuizawa đã và đang làm được.
( Nguồn tapchikientruc )